Thanh Hóa: Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón
09:38 - 02/11/2023
(MTNT)- Được Trung ương Hội NDVN hỗ trợ thực hiện nội dung “Nâng cao trách nhiệm của nông dân, ngư dân tham gia bảo vệ môi trường vùng biển Việt Nam”, Hội ND tỉnh đã xây dựng mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại cộng đồng dân cư ven biển” và triển khai thực hiện ở khắp các địa phương bằng nhiều hình thức, cách làm đa dạng. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của hội viên, nông dân và nhân dân về công tác bảo vệ môi trường. 
Mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại cộng đồng dân cư ven biển” được đông đảo nhân dân địa phương đồng tình hưởng ứng.


Là địa phương có nhiều cơ sở chế biến thủy hải sản, nơi neo đậu, giao thương của lượng lớn tàu thuyền nên mỗi ngày khu vực ven biển thải ra một lượng lớn rác các loại. Để chương trình được thực hiện đạt hiệu quả cao, Hội ND tỉnh đã hỗ trợ để địa phương xây dựng mô hình đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền nhân dân trên địa bàn tận dụng rác thải hữu cơ xử lý thành phân bón.
 
 
Tiêu biểu như 90 hộ dân xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc) được Hội ND tỉnh tập huấn, hướng dẫn cách thu gom; phương pháp phân tách rác thải tại nguồn, bắt đầu từ hộ gia đình và được hỗ trợ 180 thùng chứa rác thải loại 60 lít, cùng chế phẩm sinh học. Theo đó, rác thải của các hộ dân được phân thành 2 loại là rác thải hữu cơ và rác vô cơ, mỗi loại rác thải sẽ được chứa trong một thùng riêng biệt. Rác thải vô cơ và các phế thải có thể tái chế sẽ được thu gom vận chuyển đến nơi xử lý tập trung, rác thải hữu cơ sẽ được dùng để ủ thành phân bón tại các hộ gia đình.
 
 
Bên cạnh việc hỗ trợ thùng đựng rác và hướng dẫn cách phân loại, các hộ tham gia sẽ được cấp 01 lít chế phẩm sinh học EM Hoàng Đạo, do Hợp tác xã nông nghiệp Hoàng Đạo (huyện Hoằng Hóa) sản xuất. Đây là loại hợp chất nguồn gốc sinh học, có tác dụng lên men, khích thích phân hủy rác thải hữu cơ, không gây mùi hôi và hoàn toàn thân thiện với môi trường đã được các cơ quan chuyên môn thẩm định và cấp phép.
 
 
 Theo đó, rác thải hữu cơ sau khi được phân loại sẽ cho vào bể ủ, dùng chế phẩm EM Hoàng Đạo trộn đều với tỷ lệ nhất định, nén chặt, đậy nắp kín, sau thời gian 30 ngày, các vi khuẩn có lợi sẽ lên men phân hủy rác mùn, mục có thể sử dụng làm chất hữu cơ bón cho cây trồng rất hiệu quả.
 
 
Tham gia mô hình, đông đảo nhân dân địa phương rất đồng tình và phấn khởi với việc tận dụng nguồn rác hữu cơ để ủ thành phân bón, điều mà trước nay chưa từng nghĩ đến. Trước đây, ngoài việc phải thu gom chờ được tập kết, vận chuyển tới nơi quy định thì hiện nguồn rác thải hữu cơ này được các hộ gia đình chủ động xử lý. Trong 01kg rác thải sinh hoạt có đến 65% là các loại phế thải hữu cơ như: Thân cây rau, vỏ củ quả, thức ăn thừa, lá cây, các loại thực phẩm… Đây là loại rác hữu cơ có thể phân hủy được xem là nguồn tài nguyên nếu xử lý đúng cách.
 
 
Chủ tịch Hội ND xã Đa Lộc Đoàn Văn Hưng cho biết: Cùng với việc tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị được cấp, Hội ND xã đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền, Mặt trận và các ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường, trách nhiệm của hội viên, nông dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là nhân rộng mô hình xử lý rác thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón.
 
 
Điển hình như gia đình ông Vũ Văn Tuyên- thôn Đông Thành (xã Đa Lộc) có 4 sào vườn chuyên trồng lạc. Nhiều năm trước khi chưa biết cách xử lý rác hữu cơ, ông thường gom thân cây lạc sau khi thu hoạch lại đắp đống tại góc vườn. Nay có chế phẩm vi sinh và biết cách ủ đã xử lý thành 2 tạ phân hữu cơ giúp tiết kiệm nhiều trong việc giảm bớt mua phân hóa học. Hay hộ ông Trần Văn Toản- thôn Đông Tân (xã Đa Lộc) thì ngoài việc xử lý rác trong sinh hoạt gia đình, ông còn tận dụng lá cây, cỏ mỗi khi dọn vệ sinh đường làng để ủ phân hữu cơ.
 
 
Người dân xã Đa Lộc đã coi việc phân loại và xử lý rác hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình là một công đôi việc, lợi ích thấy rõ hàng ngày. Từ chỗ rác được gom vào các bao bì chờ đợi công ty Môi trường đến thu gom, thì nay bà con chủ động hoàn toàn trong các khâu xử lý, nhất là giảm đi lượng lớn rác thải khi vận chuyển. Tình trạng mùi hôi thối mỗi khi xe thu gom chạy qua, nước rỉ rác chảy dọc đường làng đã không còn nữa. Ý thức người dân được nâng cao, công tác vệ sinh môi trường ở Đa Lộc được cải thiện rõ rệt.
 
 
Mới đây, hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới 5/6/2022, Hội ND tỉnh được sự hỗ trợ của Trung ương Hội NDVN đã tổ chức mit-tinh, ra quân dọn vệ sinh môi trường khu vực biển Đa Lộc và hỗ trợ địa phương trồng 500 cây sú vẹt. Hoạt động này đã thu hút hàng nghìn hội viên, nông dân và nhân dân trên toàn huyện tham dự, hàng tấn rác thải ven biển tại đây được thu gom, một hành động rất đẹp nhằm hưởng ứng tuần lễ “Biển - đảo Việt nam”. Chương trình được thực hiện đã chuyển tải thông điệp về cải thiện hệ sinh thái biển và bảo vệ đa dạng sinh học tới đông đảo nhân dân trên địa bàn.
 
 
Cũng từ các nguồn lực hỗ trợ, diện tích rừng ngập mặn của xã không ngừng được mở rộng, tới nay đã nâng lên 401ha. Những loại cây chủ yếu tạo nên rừng ngập mặn là cây sú, vẹt, bần, có sức sống bền bỉ, chịu mặn và gió bão được ví như tấm áo giáp giúp bảo vệ con người trước thiên tai và tạo môi trường sống cho nhiều loại thủy sản. Đến nay Hội ND xã Đa Lộc có 1096 hội viên, sinh hoạt tại 09 chi hội, tại các chi Hội đều thành lập các tổ tự quản về bảo vệ môi trường.
 
 
Ngoài ra, Hội ND tỉnh còn triển khai công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở Hội ven biển thông qua các chương trình như: Trồng cây bản địa ngăn mặn xâm thực, chống sạt lở, xói nòm, bảo vệ môi trường biển; xây dựng các khu dân cư tự quản về vệ sinh, môi trường; hộ gia đình nông dân tham xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt; xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh môi trường; thành lập các tổ tự quản về bảo vệ môi trường tại các dòng kênh mương, khu dân cư… đạt kết quả tích cực, tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân trên địa bàn và là điểm tuyên truyền trực quan hiệu quả nhất.
Phan Hưng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn